Sài Gòn mùa nóng nhiệt độ thường từ trên 30 độ Celus(độ C). Cơ thể người suy yếu dần tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh xâm nhập. Sau đây là một số bệnh bạn cần lưu ý để phòng tránh
Bệnh say nắng và say nóng.
Do thân nhiệt tăng cao:
· Đổ nhiều mồ hôi dẫn đến rối loạn điện giải, giảm thể tích tuần hoàn.
· Thân nhiệt tăng làm rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan: tim mạch, hô hấp, thần kinh.
Khi gặp người bị say nắng, say nóng, chúng ta cần sơ cứu bằng cách làm giảm thân nhiệt của bệnh nhân: cởi bớt quần áo, cho uống nước mát, chườm lạnh bằng khăn ướt hoặc nước đá. Nếu nạn nhân hôn mê, không uống được, hoặc nôn ói thì cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.
Bệnh truyền nhiễm
bệnh tay chân miệng là bệnh do virus gây ra và lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em và nhủ nhi. Khi đã mắc bệnh, thì dịch tiết mũi họng, nước bọt, dịch từ các bóng nước và phân của bệnh nhi cũng làm lây lan bệnh.
Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, nổi ban, bóng nước.
Bệnh thường tự khỏi nhưng cũng có thể có biếng chứng nặng. Cần lưu ý các biếng chứng nặng: sốt cao, co giật, giật mình, chới với để đưa bé tới bệnh viện.
Bệnh hô hấp trên
Mùa nóng, chúng ta có thói quen mở máy lạnh nhiều làm niêm mạc hầu họng khô, điều này làm mất lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc hô hấp nên vi trùng dễ xâm nhập. Người ngồi lâu trong môi trường lạnh (như nhân viên văn phòng) khi ra môi trường nóng dễ bị viêm mũi họng, viêm xoang do tăng nhiệt độ đột ngột. Trẻ em uống nước đá lạnh cũng dễ mắc các bệnh hầu họng.
Đối với trẻ em khi bị mắc các bệnh hô hấp trên, cần cho bé ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước để giúp bé long đàm, giảm ho. Nếu em bé thường xuyên bị nghẹt mũi cần dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi. Khi bé sốt hay khò khè, phụ huynh phải dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu trẻ ho nhiều, sốt, biếng ăn, cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện để loại trừ các bệnh hô hấp nguy hiểm.
Bệnh tiêu hóa
trời nóng làm vi trùng sinh sôi nảy nở trong thức ăn, nước uống dẫn đến ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng tiêu hóa.
Bệnh đường tiêu hóa gây nôn ói, tiêu chảy nhiều lần: mất nước. Trời nóng cũng gây rối loạn điện giải, làm rối loạn tri giác, co giật.
Khi có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nên bù nước có điện giải: oresol, nếu không sẵn oresol, nước hoa quả, nước cháo.
Trẻ em: vẫn cho bé ăn đầy đủ, không dùng thuốc cầm tiêu chảy: vì sẽ gây tắc ruột, liệt ruột hay thủng ruột. Nếu thấy dấu hiệu nặng: nôn ói nhiều, lừ đừ, co giật cần đưa trẻ đến bệnh viện.
Phòng ngừa
Phòng ngừa say nắng, say nóng: không nên làm việc lâu trong môi trường nắng nóng; uống đủ nước; chống nắng bằng thiết bị: mũ, nón, kính; làm thoáng mát môi trường làm việc.
Trong mùa nóng, nên uống nước nhiều, người lớn nên hạn chế đi bộ nhiều dưới trời nắng nóng, cha mẹ không nên cho trẻ chơi chạy nhảy ngoài nắng, không mở quạt lớn trực tiếp vào cơ thể và không mở máy lạnh thường xuyên, nên ăn uống đủ chất và vệ sinh, ăn mặc thoáng mát. Để phòng bệnh tay chân miệng: vệ sinh kĩ sàn nhà, đồ chơi. Động tác rửa tay cũng giúp phòng nhiều bệnh tiêu hóa và hô hấp. Trong nhà nên có tủ thuốc gia đình, với một vài thuốc cơ bản, như: hạ sốt, oresol, dung dịch sát khuẩn.
(sưu tầm)